Giới thiệu Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan


Hà Nội Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cùng các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp giới thiệu Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan, trị giá 5,5 triệu USD.

Trong vùng lõi và lân cận vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) hiện vẫn có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống, nguy cơ tác động vào rừng rất lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Trong vùng lõi và lân cận vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) hiện vẫn có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống, nguy cơ tác động vào rừng rất lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Quỹ Cảnh quan đa dạng sinh học (BLF) là chương trình do Vương quốc Anh tài trợ nhằm mang lại kết quả giảm nghèo, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng tại sáu khu vực trên toàn thế giới.

Mục tiêu của dự án là giảm nghèo, giải quyết các nguyên nhân gây suy thoái môi trường và hỗ trợ chính quyền Trung ương và địa phương, Ban quản lý rừng và cộng đồng trong việc thực hiện quản lý và sử dụng bền vững lâu dài các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ đó tạo sự phát triển kinh tế bền vững cho các cộng đồng sống trong và phụ thuộc vào các cảnh quan quý giá về môi trường, phục hồi cảnh quan thông qua các hoạt động quản lý bền vững; nâng cao chất lượng các hệ sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học.

Trước đó, biên bản thỏa thuận (MoU) về Hợp tác Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học (BLF) đã được ký kết ngày 11 – 12/4/2023 giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA).

Cụ thể, chủ dự án thành phần tại Việt Nam gồm UBND các tỉnh Nghệ An và Kon Tum; các nhà thầu phụ gồm Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam).

Thời gian thực hiện dự án 7 năm, từ năm 2024 – 2030 (đã bao gồm cả thời gian quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của Việt Nam). Địa điểm thực hiện dự án là Vườn quốc gia Pù Mát và BQL rừng phòng hộ Anh Sơn (Nghệ An) và Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn Ngọc Linh và Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Tổng số vốn toàn bộ dự án là 5,5 triệu USD, thuộc nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 30/1, ông Jeremy Parker – Giám đốc Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế – Fauna & Flora (FFI) – đại diện nhà thầu chính cho biết: Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã mang lại sự thịnh vượng cho nhiều người trong số 120 triệu người dân ở Campuchia, Lào và Việt Nam và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, tuy nhiên thời gian qua điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững. Các mối đe dọa nghiêm trọng đối với cảnh quan hạ lưu sông Mekong, bao gồm nông nghiệp thương mại, tình trạng khai thác gỗ, nạn săn bắt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, khai thác lâm sản và phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, du lịch sinh thái không được kiểm soát và kém phát triển, cũng như việc thiếu vắng các tiêu chuẩn và tiêu chí cho sự phát triển bền vững có nguy cơ phá hủy đa dạng sinh học.

Pa-nô khuyến khích cộng đồng chung tay bảo tồn rừng và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: Tùng Đinh.

Pa-nô khuyến khích cộng đồng chung tay bảo tồn rừng và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: Tùng Đinh.

Thệm chí nhiều nơi được bảo vệ trong khu vực thiếu sự quản lý đầy đủ và bảo vệ hiệu quả. Sự mất đa dạng sinh học làm giảm các dịch vụ hệ sinh thái do cảnh quan cung cấp mà hàng triệu người, đặc biệt là cộng đồng nông thôn, nơi người dân phụ thuộc vào. Điều này sau đó tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, và làm giảm khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu của sinh kế nông thôn vốn dễ bị tổn thương trước thách thức biến đổi khí hậu và các cú sốc khác và làm suy yếu an ninh nước sạch và năng lượng.

Nhiều cộng đồng rừng và nông thôn trong khu vực là người dân bản địa và các nhóm cộng đồng địa phương (IPLC), sống chủ yếu ở vùng cao và có phong tục, truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng riêng biệt. Nạn phá rừng nhanh chóng, giảm diện tích sẵn có cho các phương thức canh tác nương rẫy truyền thống và bỏ hoang phục hồi, biến đổi khí hậu bao gồm hạn hán kéo dài và lượng mưa cực lớn, và hoạt động bẫy bắt quy mô lớn đã suy giảm số lượng động vật hoang dã trên mặt đất. Hơn nữa các hoạt động này làm suy yếu các cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, quyền sử dụng đất không an toàn đối với IPLC thường tạo điều kiện thuận lợi cho việc định cư và chuyển đổi diện tích rừng một cách tự phát, kể cả trong các khu vực được bảo vệ.

Theo ông Parker, tại nhiều nơi phụ nữ vẫn chưa được đại diện đầy đủ với sự chênh lệch giới tính rõ rệt về các chỉ số nghèo đói và sinh kế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Ở những nơi có các nhóm quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, mô hình quản lý do nam giới có xu hướng nhiều hơn. Ở một số khu vực, IPLC tuân theo hệ thống mẫu hệ, trong đó phụ nữ có nhiều tiếng nói hơn ở cấp hộ gia đình nhưng vẫn chưa tham gia nhiều trong hệ thống quản trị tài nguyên rừng.

Trong số những hạn chế và thách thức về cảnh quan, ba vấn đề ưu tiên cao nhất được DEFRA xác định là các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, thiếu hoạch định và thực thi chính sách hiệu quả cũng như sự suy giảm tính toàn vẹn của động vật hoang dã và môi trường sống do nạn săn bắn bất hợp pháp.

Dự án sẽ giải quyết những vấn đề này và theo đuổi kết quả chung của Quỹ Cảnh quan đa dạng sinh học bằng cách áp dụng cách tiếp cận tổng hợp về cảnh quan, tìm cách xác định và giải quyết những đánh đổi cũng như tạo ra lợi ích cho thiên nhiên, con người và khí hậu thông qua hợp tác với IPLC, để đảm bảo các hoạt động đáp ứng các nhu cầu được ưu tiên và xác định tại địa phương.

Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan bao gồm 6 hợp phần chính: Các mô hình sinh kế, quyền sở hữu đất đai, buôn bán các loài hoang dã bất hợp pháp; Nông nghiệp và Thị trường; Cơ sở hạ tầng và Phát triển; Du lịch sinh thái; Quản lý các Vườn quốc gia – Khu bảo tồn và Giám sát đánh giá và quản lý dự án.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp là cộng đồng cư dân sống liền kề các Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn được lựa chọn triển khai thực hiện dự án. Đối tượng thụ hưởng gián tiếp bao gồm, các giá trị đa dạng sinh học cảnh quan bao gồm cả động vật và thực vật…

Bộ NN-PTNT Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án và giao cho Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp làm chủ dự án.